BÀI TUYÊN TRUYỀN
Về giải pháp xử lý kết quả mối nguy ô nhiễm thực phẩm không đạt
(Kèm theo Công văn số 1633/VHTT ngày 26/7/2024
của Phòng Văn hóa và Thông tin)
Kính gửi: Toàn thể Nhân dân thành phố.
Nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, người tiêu dùng, UBND thành phố Nha Trang cung cấp một số thông tin đến người dân trên địa bàn như sau:
I. CHẾ BIẾN AN TOÀN SẢN PHẨM TỪ TRỨNG, XỐT TRỨNG
Gia cầm sống có thể mang vi khuẩn như Salmonella, vi khuẩn này có thể gây ô nhiễm bên trong trứng trước khi vỏ được hình thành hoặc vỏ trứng có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella từ phân gia cầm sống hoặc khu vực nơi trứng được đẻ. Do đó khi chế biến các sản phẩm từ trứng, cần đặc biệt lưu ý đến nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella. Đây là loại vi khuẩn phổ biến nhất có liên quan đến các dịch bệnh cũng như ngộ độc thực phẩm xuất phát từ thực phẩm trên thế giới và tại Việt Nam.
Vi khuẩn Salmonella bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi (100°C) trong thời gian 2 phút. Vì vậy nguyên tắc chế biến các sản phẩm từ trứng an toàn là nấu chín kỹ các món ăn có chứa trứng. Nấu trứng cho đến khi cả lòng đỏ và lòng trắng đều rắn chắc lại.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thường tự chế biến xốt trứng làm nguyên liệu để kinh doanh bánh mì, bò né, cơm gà...Trong khi đó, xốt trứng là sản phẩm được chế biến từ lòng đỏ trứng gà sống và dầu ăn không qua công đoạn gia nhiệt, do đó vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Sử dụng các cách khác an toàn hơn
- Sử dụng sản phẩm xốt trứng (mayonnaise) được sản xuất thương mại, có quy trình sản xuất được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt thay vì cơ sở/người dân tự chế biến làm các sản phẩm xốt trứng từ trứng sống.
- Sử dụng các sản phẩm trứng tiệt trùng thay vì trứng sống trong các sản phẩm ăn liền (các sản phẩm không nấu thêm nữa) như món tráng miệng và đồ uống; người dân không nên chế biến đồ uống từ trứng gà sống.
Trong trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố hoặc người dân tự chế biến xốt trứng từ trứng sống; để đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nhiễm Salmonella, người dân cần tuân thủ một số nội dung sau:
1. Chọn và bảo quản trứng:
- Chỉ mua trứng còn nguyên: sạch sẽ, không bị nứt hoặc rò rỉ.
- Trứng được bảo quản trong bao bì sạch sẽ, có dán nhãn đúng theo quy định (tên thực phẩm, tên và địa chỉ nhà cung cấp, hạn sử dụng).
- Mua và sử dụng trứng sống đã được xử lý tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh trên vỏ trứng của các cơ sở cung cấp đã được cấp phép.
- Bảo quản trứng còn nguyên ở nhiệt độ lạnh từ 5°C trở xuống và sử dụng trước “hạn sử dụng”.
2. Sát trùng và vệ sinh:
Đây là điều quan trọng đối với việc ngăn chặn Salmonella lây lan sang thực phẩm khác:
- Làm vệ sinh và sát trùng thiết bị nhà bếp được sử dụng để chế biến các sản phẩm trứng sống trước và sau mỗi lần sử dụng.
- Làm vệ sinh và sát trùng các thùng/hộp đựng và dụng cụ phân phối xốt trứng giữa mỗi mẻ.
- Sử dụng các thùng/hộp đựng riêng biệt cho từng mẻ thực phẩm (nghĩa là không thêm vào xốt trứng mới vào mẻ xốt trứng cũ).
- Luôn giữ cho bề mặt và dụng cụ nhà bếp sạch sẽ và khô ráo.
3. Cách tách lòng đỏ khỏi lòng trắng trứng:
Nếu trên vỏ trứng có vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn này có thể lây lan khắp nhà bếp và lên các thực phẩm khác do tay người chế biến. Để giảm thiểu vỏ trứng và trứng bên trong tiếp xúc nhau cần:
- Rửa và lau khô tay trước và sau khi tiếp xúc với trứng.
- Sử dụng vật dụng tách trứng đã sát trùng; không tách trứng bằng vỏ trứng hoặc bằng tay.
- Không tồn trữ trứng sống ở dạng lỏng; sau khi đã đập vỏ trứng, hãy sử dụng trứng sống ngay.
II. VỀ CÁCH RỬA RAU AN TOÀN
Ăn rau sống như thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm
Nếu rau sống không đảm bảo vệ sinh (tưới bón phân tươi, phân bắc hay phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định...) là món ăn mang theo mầm bệnh làm cho người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hoá, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp tính và mạn tính.
Lựa chọn rau nguyên liệu cần chú ý:
- Hình dáng bên ngoài: Còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, thâm nhũn ở núm cuống. Cảnh giác với loại rau quá tươi tốt.
- Màu sắc: có màu sắc tự nhiên của rau, không úa, héo.
- Sờ - nắm: Cảm giác nặng tay, dòn chắc. Chú ý cảm giác “nhẹ bồng” của một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hoá chất bảo vệ thực vật.
- Không có dính chất lạ: Rất nhiều loại rau quả còn dính hoá chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá,...có các vết lấm tấm hoặc vết trắng.
- Mùi: Không có mùi lạ. Nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hóa chất bảo vệ thực vật.
Rửa rau đúng cách như thế nào:
Để đảm bảo rau sạch, cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hoá chất trừ sâu còn bám trên lá rau. Phải đảm bảo nước dùng để rửa phải sạch, tùy vào từng loại rau ta áp dụng cách rửa khác nhau:
Nếu là cọng rau lá to: như cải xanh, xà lách...thì phải bẻ ra từng nhánh, từng lá, để dưới vòi nước chảy mạnh một lúc lâu cho sạch hết ký sinh trùng nếu có. Lật tiếp qua bề mặt kia rửa tương tự như vậy. Sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước.
Nếu là rau cọng nhỏ (rau thơm, tía tô...) thì để vào thau rồi đảo qua, đảo lại nhiều lần, rửa ít nhất 3 lần.
Cần thiết cuối cùng mới ngâm nước muối hoặc sục trong nước ozon.
Việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo loại trừ sạch mầm bệnh. Qua một số thí nghiệm cho thấy trong môi trường thuốc tím, nước muối loãng thì không có tác dụng gì với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hoá chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần. Như vậy nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau vẩy ráo trước khi ăn. Dù đã xử lý cẩn thận như trên nhưng muốn thật an toàn chúng ta vẫn nên đun nấu chín, hạn chế ăn rau sống./.